Phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa

Vào mùa mưa lũ, môi trường ẩm ướt là điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi nhiều hơn, làm nguy cơ bệnh sốt xuất huyết dễ gia tăng. Hãy cùng Dược phẩm Hutaphar tìm hiểu cách phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa ở bài viết sau.

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

2. Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết giai đoạn đầu

Sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Trong đó, giai đoạn sốt thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày đầu tiên. Người bệnh lúc này thường sẽ có các triệu chứng nhận biết sau:

2.1. Sốt cao đột ngột

Người bệnh có thể sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ. Thường bắt đầu xuất hiện từ ngày 2 đến ngày 7 của bệnh. Khi bị sốt do sốt xuất huyết thường là sốt cao đột ngột, liên tục và rất khó giảm với thuốc hạ sốt.

2.2. Đau đầu dữ dội

Sốt cao ở bệnh nhân sốt xuất huyết khiến máu cô đặc, tăng hematocrit (tỷ lệ hồng cầu trong thể tích máu) khiến khả năng chuyển tải oxy đến não kém. Đó là lý do khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường cảm thấy đau đầu dữ dội.

2.3. Đau mắt

Trong một số trường hợp, bạn có thể có triệu chứng đau hốc mắt. Nguyên nhân chính xác của tình trạng đau hốc mắt khi bị sốt xuất huyết hiện vẫn chưa được xác định rõ.

2.4. Đau cơ và khớp

Hầu hết trường hợp sốt xuất huyết, bệnh nhân thường bị đau nhức cơ, xương và có thể là cả các khớp. Có 2 nguyên nhân:

  • Do virus gây thiếu hụt vitamin và khoáng chất trong cơ thể khiến bệnh nhân đau nhức.
  • Do sốt cũng khiến máu cô đặc, tăng hematocrit, ảnh hưởng khả năng chuyển tải oxy đến các cơ quan trong cơ thể.

Bạn nên chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng cường đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi.

2.5. Mệt mỏi, suy nhược

Trong những ngày đầu của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân sốt rất cao dẫn đến thoát mồ hôi bao gồm nước và chất điện giải. Khiến cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, uể oải. Đó là nguyên nhân khi sốt bạn nên chú ý bù nước và chất điện giải bằng cách uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sinh tố, hoặc dung dịch Oresol.

2.6. Buồn nôn và nôn

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể cảm thấy buồn nôn và nôn, do virus làm ảnh hưởng đến ống tiêu hóa. Triệu chứng nôn thường không kéo dài đến vài ngày và không xuất hiện thường xuyên. Do đó, nếu bạn gặp tình trạng nôn mửa kéo dài liên tục có thể là dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng, cần đến bệnh viện để được theo dõi và can thiệp kịp thời.

2.7. Phát ban

Phát ban trên da là triệu chứng thường gặp giai đoạn đầu. Phát ban thường xuất hiện từ 3 đến 4 ngày sau khi lên cơn sốt. Các vết ban thường xuất hiện trên mặt, sau đó lan dần xuống cổ, ngực, cánh tay, chân. Vết ban do sốt xuất huyết thường không biến mất khi dùng tay căng da. Tuy nhiên để phân biệt triệu chứng phát ban do sốt xuất huyết và một số bệnh có dấu hiệu tương tự như sốt phát ban, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/ lăng quăng bằng cách:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt bọ gậy/ lăng quăng.
  • Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, bình hoa,…) hàng tuần.
  • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Phòng chống muỗi đốt:

  • Mặc quần áo dài tay.
  • Ngủ trong màn kể cả ban ngày.
  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
  • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
  • Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.


Developed by NAMMEDIA.VN
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay