Thời tiết giao mùa là thời điểm nhạy cảm khi nhiệt độ, độ ẩm, trong không khí thay đổi thất thường. Sự chuyển biến đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại khiến cơ thể khó thích nghi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa như: cảm cúm, viêm họng, dị ứng,… và một vài bệnh khác liên quan đến hệ hô hấp và tiêu hóa.
Vậy những bệnh nào dễ gặp nhất trong giai đoạn giao mùa và làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trước những thay đổi đột ngột của thời tiết? Hãy cùng dược phẩm Huta tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
1. Giao mùa là gì?
Giao mùa là thời điểm chuyển giao giữa các mùa trong năm, có sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết. Khi giao mùa, cơ thể phải đối mặt với những thay đổi đột ngột về cả nhiệt độ, độ ẩm dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể bị suy giảm, chưa thích nghi kịp thời, dễ bị nhiễm các bệnh hơn.
Đặc biệt đối với thời tiết và khí hậu Việt Nam khoảng thời gian giao mùa từ mùa đông sang mùa xuân và từ mùa hè sang mùa thu là những thời điểm “nhạy cảm” để dễ mắc các bệnh về đường hô hấp nhất. Ngoài ra, một số người mắc các bệnh lý mãn tính như hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng cũng có thể trở nặng hơn. Vì thế, thời điểm giao mùa là lúc bạn cần chăm sóc sức khỏe cẩn thận hơn nhất để đối mặt với những thay đổi của thời tiết.
2. Một số bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa
Cảm cúm
Cảm cúm là một trong những bệnh phổ biến nhất khi thời tiết giao mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ miễn dịch suy yếu khi nhiệt độ và độ ẩm thay đổi, tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập và tấn công cơ thể. Các triệu chứng điển hình bao gồm: sốt, ớn lạnh, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng,…
Viêm họng
Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ và độ ẩm khiến niêm mạc dễ bị khô, kích ứng. Người bệnh thường có cảm giác đau rát cổ họng, khó nuốt thậm chí ho khan, ho có đờm.
Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết cũng là một bệnh lý thường gặp khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là ở những người có cơ địa nhạy cảm. Vào thời điểm này bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa trong không khí tăng cao có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Người bệnh thường có các triệu chứng như hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa mắt, đỏ mắt.
Viêm phế quản
Khi thời tiết lạnh và ẩm, vi khuẩn và virus phát triển mạnh mẽ dẫn đến tình trạng viêm niêm mạc phế quản. Người mắc viêm phế quản thường có biểu hiện ho khan, ho có đờm, khó thở, đau tức ngực.
Sốt phát ban
Sốt phát ban cũng là một bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là ở trẻ em. Nguyên nhân gây sốt phát ban là do virus xâm nhập khi hệ miễn dịch suy yếu. Các triệu chứng của bệnh bao gồm như sốt cao, nổi mẩn đỏ trên da, đau đầu và mệt mỏi.
Ngoài các bệnh về đường hô hấp kể trên, một số bệnh về đường tiêu hóa cũng thường gặp khi thời tiết giao mùa. Khi thay đổi thời tiết vi khuẩn, virus trong thực phẩm hoặc nguồn nước dễ sinh sôi gây ra tình trạng tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, đầy hơi và khó tiêu.
3. Đối tượng dễ bị mắc bệnh khi thời tiết giao mùa
Một số nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh khi thời tiết giao mùa bao gồm:
Trẻ em: Tại sao đối tượng trẻ em rất dễ bị nhiễm các bệnh trong thời điểm giao mùa? Vì hệ thống miễn dịch của chúng vẫn còn trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt khi mắc bệnh thường diễn biến nặng hơn so với người lớn.
Người cao tuổi: Đây là nhóm đối tượng thường có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, suy gan, suy thận hay tim mạch. Chính vì thế, hệ miễn dịch của người già bị suy yếu và dễ bị vi khuẩn tấn công hơn.
Phụ nữ mang thai: Khi mang thai thì việc dùng thuốc sẽ là trở ngại lớn vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, điều này sẽ khiến cho bệnh có thể kéo dài lâu hơn và gây suy giảm hệ miễn dịch.
> Có thể bạn cũng quan tâm: Tại sao ô nhiễm không khí lại ảnh hưởng đến hệ hô hấp
4. Cách phòng ngừa hiệu quả
Để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa, bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin C (như cam, bưởi, kiwi) giúp tăng cường sức đề kháng và chống lại virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều rau xanh, trái cây sẽ cung cấp chất xơ và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Tập thể dục thường xuyên cũng là cách hiệu quả để tăng cường sức khỏe trong thời điểm giao mùa. Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn và tăng cường hệ miễn dịch.
Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn. Đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh khói bụi và vi khuẩn. Vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, vi khuẩn.
Giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe khi thời tiết giao mùa, giúp cơ thể có thời gian phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
Thời tiết giao mùa luôn là giai đoạn thử thách đối với sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa các bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống khoa học và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình ngay từ hôm nay để vượt qua thời tiết giao mùa một cách khỏe mạnh và an toàn nhất!