Mỡ máu là bệnh lý liên quan mật thiết do chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Bệnh thường khó phát hiện và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Hãy cùng Dược phẩm Hutaphar tìm hiểu tác hại của mỡ máu cao.
1. Bệnh mỡ máu là gì?
Bệnh mỡ máu (hay còn được gọi là bệnh máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn do các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.
Các chỉ số bình thường của các thành phần mỡ có trong máu:
- Cholesterol toàn phần: < 5.2 mmol/L .
- LDL – Cholesterol: < 3.3 mmol/L.
- Triglyceride: < 2.2 mmol/L.
- HDL – Cholesterol: > 1.3 mmol/L.
Các chỉ số trên ở mức bình thường, các xét nghiệm cho kết quả cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, Triglyceride cao hơn chứng tỏ bạn đang có biểu hiện bệnh mỡ máu. Tuỳ vào mức độ tăng cao của các chất trên mà biểu hiện tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trong khi đó, HDL – Cholesterol là một Cholesterol tốt cho sức khỏe giúp tăng đào thải LDL – Cholesterol (gây hại cho sức khỏe), khi HDL – cholesterol tăng là một dấu hiệu tốt.
2. Tác hại của mỡ máu cao thường gặp
2.1. Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao. Khi cholesterol LDL và các chất béo khác tích tụ trong thành động mạch, tạo thành các mảng bám. Theo thời gian, các mảng này có thể làm hẹp lòng mạch, hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng.
2.2. Nhồi máu cơ tim
Khi mảng xơ vữa quá lớn trong động mạch có thể bị vỡ ra, làm tắc nghẽn sự lưu thông máu nuôi cơ tim có thể gây nhồi máu cơ tim làm chết một phần cơ tim. Tình trạng này có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho cơ tim, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.
2.3. Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên ảnh hưởng đến các mạch máu xa tim, đặc biệt là ở chân. Người bệnh thường cảm thấy đau nhức, mỏi chân khi đi bộ hoặc tập thể dục. Trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến hoại tử mô, thậm chí phải cắt cụt chi nếu không được điều trị đúng cách.
2.4. Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần của não bị gián đoạn. Mỡ máu cao làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc vỡ mảng xơ vữa, có thể gây tắc nghẽn mạch máu não. Hậu quả của đột quỵ có thể rất nghiêm trọng, từ liệt nửa người hoặc mất khả năng nói, thậm chí tử vong.
2.5. Bệnh đái tháo đường
Mỡ máu cao và đái tháo đường type 2 thường đi kèm với nhau trong hội chứng chuyển hóa. Mỡ máu cao có thể gây đề kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Ngược lại, đái tháo đường cũng làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu.
2.6. Viêm tụy
Triglyceride cao trong máu có thể gây viêm tụy cấp tính. Người bệnh thường đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn. Đây là tình trạng cần được cấp cứu y tế kịp thời, điều trị ngay lập tức để tránh biến chứng suy cơ quan, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, tử vong.
2.7. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ xảy ra khi có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan, khiến gan phải hoạt động nhiều hơn nhưng vẫn không thể xử lý được hết gây tổn thương gan. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan và suy gan trong trường hợp nặng.
2.8. Sỏi mật
Mỡ máu cao, đặc biệt là cholesterol cao, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Người bệnh phải chịu đựng những cơn đau quặn, sốt cao, vàng da. Trong một số trường hợp, sỏi mật có thể dẫn đến viêm túi mật hoặc tắc ống mật, đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân bị sỏi mật có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2.9. Tăng huyết áp
Mỡ máu cao làm cho động mạch trở nên cứng và thu hẹp. Tăng sức cản trong lòng mạch, buộc tim phải bơm máu mạnh hơn, dẫn đến tăng huyết áp, gây áp lực lên tim và các mạch máu. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ và suy thận.
3. Nguyên nhân gây bệnh mỡ máu
Bệnh có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu.
Có thể điểm lại một số nguyên nhân xuất phát từ lối sống gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ:
- Lười vận động, thừa cân, béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Uống rượu bia.
- Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.
4. Các thực phẩm nên bổ sung cho người mỡ máu.
Nên ăn các loại rau xanh vì chúng ít Cholesterol.
Ăn thịt nạc thăn, hạn chế ăn thịt mỡ và nội tạng động vật.
Ăn thức ăn ít chất béo như cá, các họ đậu, hoa quả tươi.
Các loại nấm: nấm hương, mộc nhĩ.
Gừng hỗ trợ rất tốt trong việc giảm mỡ trong máu.
Trà sen hoặc các loại trà thanh lọc cơ thể.