Trong nhiều trường hợp, run chân chỉ là một phản ứng tạm thời khi bạn căng thẳng. Tuy nhiên, run chân kéo dài, khó kiểm soát có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh mạn tính như bệnh Parkinson. Hãy cùng Dược phẩm Huta tìm hiểu nguyên nhân gây run chân khó kiểm soát ở bài viết sau.
1. Nguyên nhân gây run chân khó kiểm soát
1.1. Di truyền
Tình trạng run chân có thể là triệu chứng của bệnh run vô căn – một bệnh di truyền xảy ra khi cha hoặc mẹ bạn có đột biến gene gây run. Dù bệnh run vô căn thường ảnh hưởng tới tay và cánh tay, nhưng trong một số trường hợp chân cũng có thể bị run.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác gene gây bệnh run vô căn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng sự kết hợp của đột biến gene và tình trạng ô nhiễm môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
1.2. Rối loạn lo âu
Lo lắng, căng thẳng quá mức có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone adrenalin. Khi đó, hệ thần kinh sẽ hiểu lầm rằng bạn đang ở trong trạng thái bị đe dọa, tấn công. Vì thế, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng một loạt triệu chứng như: Tim đập nhanh, hơi thở dồn dập, tay chân run, tâm trạng hồi hộp, vã mồ hôi, mất bình tĩnh.
1.3. Dùng quá nhiều caffeine và các chất kích thích khác
Các loại đồ uống giàu caffeine như cà phê, nước tăng lực… có thể giúp bạn tỉnh táo, nhưng uống quá nhiều lại khiến bạn bồn chồn, tim đập nhanh và run tay chân.
Lượng caffeine tối đa bạn có thể dùng là 400mg/ngày, tương đương với 3 – 4 cốc cà phê.
1.4. Cai rượu bia, đồ uống có cồn
Thường xuyên uống rượu bia có thể làm thay đổi nồng độ dopamine và các hóa chất khác trong não bộ. Theo thời gian, não sẽ dần quen với những thay đổi này, dần chịu đựng được những ảnh hưởng của các loại đồ uống có cồn. Đây là lý do tại sao những người uống nhiều rượu ngày càng muốn uống nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, nếu đang có thói quen uống nhiều rượu bia mà đột ngột cai rượu, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như run chân, buồn nôn/nôn mửa, rối loạn lo âu, đau đầu, nhịp tim nhanh, hay cáu kỉnh, mất ngủ, co giật…
1.5. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh và cơ bắp của bạn, gây ra tình trạng run chân. Các loại thuốc thường gây run bao gồm: Thuốc giãn phế quản cho người bị hen suyễn, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc tuyến giáp, thuốc chống động kinh…
Nếu tình trạng run chân ngày càng nghiêm trọng, bạn có thể trao đổi với bác sỹ để giảm liều thuốc hoặc chuyển sang một loại thuốc khác.
1.6. Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormone điều hòa quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể bị quá tải. Cường giáp có thể gây ra các triệu chứng như:
- Run chân,
- Nhịp tim nhanh,
- Rối loạn lo âu,
- Giảm cân,
- Nhạy cảm với nhiệt độ,
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt,
- Mất ngủ…
1.7. Bệnh Parkinson
Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh có thể gây ra các rối loạn vận động như run tay, run chân. Căn bệnh này xảy ra do các tế bào thần kinh sản sinh dopamine trong não bộ bị phá hủy.
Các triệu chứng bệnh Parkinson phổ biến nhất bao gồm: Run tay chân, di chuyển chậm chạp, cứng cơ bắp, mất khả năng giữ thăng bằng, khó nuốt, khó nói…
1.8. Tổn thương thần kinh vận động
Dây thần kinh vận động bị tổn thương có thể gây ra tình trạng run chân, tê bì, đau đớn, có cảm giác ngứa ran… Một số nguyên nhân gây tổn thương thần kinh bao gồm: Bạn mắc bệnh đái tháo đường, đa xơ cứng, có khối u hay bị chấn thương.
2. Làm sao để kiểm soát tình trạng run chân?
Thay đổi lối sống cũng có thể giúp cải thiện tình trạng run chân, bao gồm:
- Giảm căng thẳng, lo âu.
- Ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh sử dụng rượu, caffeine và các chất kích thích khác.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.