Từ 45 tuổi trở lên thì hầu như người Việt Nam đều mắc các bệnh về xương khớp. Hãy cùng Dược phẩm Hutaphar tìm hiểu các căn bệnh xương khớp phổ biến ở người Việt Nam.
1. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương phần sụn khớp và xương dưới sụn, có phản ứng viêm và giảm dịch khớp.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp chủ yếu do tuổi cao, bên cạnh đó còn có các yếu tố thuận lợi như:
- Di truyền,
- Tình trạng béo phì,
- Chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp,
- Viêm khớp dạng thấp,
- Nhiễm trùng khớp
- Có tiền sử chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao…
Những triệu chứng của thoái hóa khớp gồm:
- Đau nhức quanh khớp: ở những vùng xung quanh khớp bị thoái hóa thường xuất hiện những cơn đau âm ỉ. Lúc đầu người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi là cơn đau sẽ giảm. Nhưng khi bệnh trở nặng thì cơn đau kéo dài và đau dữ dội hơn.
- Cứng khớp: Cứng khớp buổi sáng là một triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân thoái hóa khớp. Biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân ngủ dậy. Khó cử động các khớp bị thoái hóa. Gây đau sau khoảng 30 phút mới có thể bình thường trở lại.
- Khớp bị biến dạng: có thể vùng khớp thoái hóa sẽ bị sưng to lên hoặc các cơ sẽ bị teo nhỏ lại.
- Hạn chế các hoạt động: các hoạt động trong đời sống hàng ngày bị hạn chế như cúi đầu sát đất, quay cổ ra sau.
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính. Ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động.
Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Ngoài khớp, các cơ quan khác cũng có thể bị tổn thương như tim, phổi, da, mắt. Tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp gây ra thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn
3. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường. Xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm do các yếu tố như:
- Di truyền,
- Tư thế sai trong lao động, vận động,
- Thoái hóa tự nhiên,
- Bị tai nạn,
- Chấn thương cột sống.
Trên thực tế, thường hay gặp hiện tượng đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa) do thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng là phổ biến nhất.
4. Bệnh gai cột sống
Gai cột sống là tình trạng phát triển thêm của xương trên thân đốt, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Do đĩa sụn và xương bị thoái hóa. Mặt xương khớp nhọn và gai mọc ra và chèn ép lên dây thần kinh gây ra đau.
Phần lớn bệnh nhân thường không cảm thấy bất cứ triệu chứng gì trong thời gian đầu. Tuy nhiên khi bệnh bắt đầu trở nặng, gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh thì những cơn đau mới dần xuất hiện.
Một số triệu chứng của gai cột sống là:
- Đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi.
- Trường hợp nặng thì đau tê ở cổ lan qua hai tay, cảm giác đau ở lưng, dọc xuống hai chân.
- Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều. Cơn đau tăng khi cử động, giảm khi nghỉ do đó sẽ đưa tới giới hạn cử động ở các phần này.
5. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là cụm từ mô tả tình trạng đau lan từ mông xuống dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Các nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa gồm có:
Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, khối lồi ra của đĩa đệm làm đè ép vào dây thần kinh tọa gây đau.
Thoái hoá cột sống thắt lưng: Thoái hoá gây ra gai xương xâm lấn vào lỗ liên đốt cột sống. Là nơi dây thần kinh tọa thoát ra khỏi cột sống. Gai xương đủ lớn sẽ tác động tới dây thần kinh tọa mà gây đau. Đôi khi thoái hoá làm hẹp ống sống cũng là nguyên nhân gây đau.
Trượt đốt sống: Khi trượt đốt sống sẽ làm hẹp lỗ liên đốt cột sống gây tác động vào thần kinh tọa gây đau.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây đau thần kinh tọa còn do chấn thương, viêm…
6. Thoái hóa cột sống
Khi 30 tuổi thì thoái hóa cột sống bắt đầu, càng cao tuổi thì quá trình lão hóa càng nhanh. Thoái hóa tác động đến cả sụn, xương dưới sụn và màng hoạt dịch khớp. Trong đó tế bào sụn khớp và xương dưới sụn là quan trọng hàng đầu.
Trong hệ thống cột sống có 3 vùng thường xảy ra thoái hóa và tùy thuộc vào từng vị trí mà có những triệu chứng thoái hóa cột sống khác nhau:
- Thoái hóa cột sống cổ: Khi bị thoái hóa vùng cổ. Bạn sẽ có những triệu chứng như đau ê ẩm vùng cổ (vùng sau gáy), đau nhức sang vùng bả vai, có thể lan sang cánh tay. Thậm chí, những người bị nặng có thể bị tê bì xuống đốt ngón tay hoặc đau lan lên đỉnh đầu, ù tai, tức hốc mắt…
- Thoái hóa cột sống lưng: tình trạng thường gặp là đau nhức thường xuyên vùng thắt lưng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể bị tê bì dọc từ mông xuống chân, thậm chí còn đau nhức cả bàn chân.
- Thoái hóa cột sống ngang ngực: ít gặp hơn 2 trường hợp trên, bệnh nhân thường có biểu hiện đau ngang lưng, đau kéo ra trước ngực, thậm chí gây tức ngực khó thở.
7. Loãng xương
Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương.
Sức mạnh của xương được phản ánh thông qua hai yếu tố: khối lượng xương và chất lượng xương. Nguyên nhân gây loãng xương có thể là do thay đổi nội tiết tố, tuổi tác, dùng thuốc… Đặc biệt ở phụ nữ, tốc độ mất xương giai đoạn mãn kinh từ 1 – 3% mỗi năm, kéo dài từ 5 – 10 năm sau khi mãn kinh.
Bệnh xương khớp là một trong các bệnh phổ biến của người Việt Nam. Nó gây ra các biến chứng nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống người bệnh. Nhất là người trong độ tuổi trung niên, người già, người có sức đề kháng kém. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh xương khớp đều có thể phát hiện và đoán từ rất sớm, vì thế việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn.