Phân biệt viêm xương khớp và loãng xương

Viêm xương khớp và loãng xương là những căn bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi. Trên thực tế, có không ít người nhầm lẫn giữa viên xương khớp mạn tính và loãng xương, nhưng thực chất đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Hãy cùng Dược phẩm Huta tìm hiểu cách phân biệt viêm xương khớp và loãng xương ở bài viết sau.

1. Viêm xương khớp và loãng xương là gì?

Viêm xương khớp: là tình trạng thoái hóa xảy ra khi lớp sụn bảo vệ khớp bị vỡ và mòn đi, khiến các xương dưới sụn cọ xát vào nhau, gây đau rát, sưng và mất khả năng cử động khớp. Theo thời gian, các gai xương có thể hình thành trên các cạnh khớp, các mảnh xương hoặc sụn bị tróc ra có thể trôi nổi giữa hai đầu xương, khớp dần mất đi hình dạng ban đầu. Khi đó, người bệnh viêm xương khớp cảm thấy đau đớn vô cùng, vận động kém đi.
Loãng xương: là hiện tượng tăng phần xốp của xương, giảm số lượng tổ chức xương, giảm mật độ xương, hay nói cách khác là tỷ trọng chất khoáng trong xương (BMD) bị giảm. Khi kiểm tra trên máy đo sẽ thấy mật độ xương giảm rõ rệt. Khi bị loãng xương, xương của người bệnh thường rất yếu, trở nên xốp, giòn và dễ gãy hơn. Tình trạng loãng xương càng trở nặng hơn khi về già, đặc biệt ở phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh.

2. Triệu chứng nhận biết viêm xương khớp và loãng xương

2.1. Viêm xương khớp:

Viêm xương khớp thường xảy ra ở một bên khớp, phổ biến ở các khớp bàn tay, bàn chân, bả vai, xương hông, đầu gối, cột sống cổ.
Cứng khớp sau khi ngồi lâu hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng, cử động khớp khó khăn.
Đau khớp trong khi hoặc sau khi cử động, nhiều trường hợp ấn nhẹ cũng đau.
Sưng tấy quanh khớp, có dấu hiệu ửng đỏ, sờ vào thấy ấm.
Có tiếng lạo xạo hoặc tiếng xương chà xát lên nhau khi cử động.

2.2. Loãng xương:

Loãng xương thường diễn ra âm thầm, kéo dài trong nhiều năm, khoảng thời gian đầu chưa có biểu hiện gì rõ rệt. Càng về sau, khi khối lượng khoáng chất bị mất ngày càng nhiều, triệu chứng mới dần xuất hiện.
Đau nhức đầu xương, kèm theo cảm giác như bị kim chích.
Đau ở các vùng xương chịu lực lớn như hông, thắt lưng, khớp gối. Cơn đau âm ỉ và kéo dài, đau tăng khi vận động.
Một số người cao tuổi bị còng lưng, giảm khả năng đi lại.
Nứt xương, gãy xương xảy ra thường xuyên nhất ở xương hông, cột sống và cổ tay.

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm xương khớp và loãng xương

3.1. Viêm xương khớp

Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên các khớp ở hông, đầu gối, khiến phần sụn ở các khớp này càng hư hại.
Không vận động cơ thể, ngồi liên tục hàng giờ… dẫn đến dịch khớp không được luân chuyển và tế bào sụn sẽ không có chất dinh dưỡng, lớp sụn dần bị mòn đi.
Bệnh tiểu đường, thống phong, suy tuyến giáp… gây biến chứng viêm xương khớp.
Lao động nặng nhọc, thường xuyên khuân vác vật nặng… khiến khớp bị hoạt động quá tải, bề mặt sụn hư tổn nhanh hơn, tình trạng thoái hoá ở các khớp diễn ra với tốc độ nhanh chóng.
Dị tật di truyền trong sụn khớp.

3.2. Loãng xương:

Người cao tuổi bị lão hóa chức năng, suy giảm miễn dịch, khiến xương yếu dần.
Lối sống ít vận động thể chất, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D…
Lạm dụng thuốc corticoid trong thời gian dài, ức chế sự tạo xương, dẫn đến giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương.
Phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh thường thiếu hụt nội tiết tố estrogen, làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển canxi từ xương vào máu, như vậy lượng canxi ở xương giảm, khiến xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực, dễ gãy hơn.
Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu canxi liên quan đến khối xương thấp và tỷ lệ gãy xương cao.
Viêm xương khớp có liên quan đến loãng xương không?
Thực chất, viêm xương khớp và loãng xương là hai vấn đề khác nhau. Bệnh loãng xương không khiến quá trình viêm xương khớp diễn ra nhanh hơn. Loãng xương chỉ có ảnh hưởng nghiêm trọng duy nhất là gây ra gãy xương.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy khá nhiều người bị loãng xương thường kèm theo chứng viêm xương khớp do khó khăn trong di chuyển và vận động. Hai chứng bệnh này thường diễn ra cùng lúc ở người cao tuổi và tiến triển âm thầm.
Hy vọng qua bài viết “Phân biệt viêm xương khớp và loãng xương” bạn có thêm kiến thức hay trong việc chăm sóc xương khớp cho gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.


Developed by NAMMEDIA.VN
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay